1. Open Innovation (OI) là gì?

Vào năm 2006, Giáo sư Henry William Chesbrough đã đề xuất một thuật ngữ mới mang tên Open Innovation (OI), kể từ đó thuật ngữ này đã trở nên phổ biến và nhận được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu ĐMST (Đổi mới sáng tạo) và các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới. Theo giáo sư Chesbrough định nghĩa, Open Innovation là hoạt động sử dụng các luồng tri thức có mục đích từ cả bên trong và bên ngoài tổ chức, nhằm thúc đẩy ĐMST từ trong doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp và mở rộng thị trường để khai thác kết quả ĐMST ở bên ngoài tổ chức.

Open innovation thường được triển khai theo 3 hình thái:

  • Thu hút ý tưởng Từ bên ngoài (outside-in): một trong những ví dụ điển hình của hình thái này là doanh nghiệp tìm kiếm/phát hiện ý tưởng sáng tạo của startup từ các vườn ươm/ trung tâm khởi nghiệp.
  • Ý tưởng được khởi nguồn từ bên trong (inside-out): sau khi có ý tưởng, nếu doanh nghiệp có yêu cầu cụ thể từ khách hàng, doanh nghiệp sẽ liên kết với một tổ chức bên ngoài để thực hiện R&D.
  • Liên kết: theo hình thái này, doanh nghiệp sẽ liên kết với một tổ chức khác cùng triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo, chẳng hạn cùng làm R&D.

Dù theo hình thái nào, hệ sinh thái Open innovation được đặc trưng bởi 2 đối tượng chính, mỗi đối tượng sẽ đảm đương một vai trò và trách nhiệm khác nhau:

  • R&D nội bộ: các nhóm nghiên cứu nội bộ, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm hiểu những vấn đề của doanh nghiệp, sau đó kết hợp với mạng lưới tri thức bên ngoài tìm lời giải ; hoặc thông qua hoạt động đổi mới sáng tạo bên ngoài phát hiện các ý tưởng, các giải pháp có giá trị, qua đó đề xuất đầu tư để triển khai ứng dụng phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp.
  • Nguồn lực bên ngoài: mạng lưới đổi mới sáng tạo trên bình diện quốc gia cũng như toàn cầu gồm các nhà khoa học, các doanh nhân, các viện nghiên cứu, trường đại học, các vườn ươm khởi nghiệp, tăng tốc khởi nghiệp là nguồn cung cấp ý tưởng, giải pháp sáng tạo phong phú, đa dạng cho bất cứ doanh nghiệp nào, thuộc bất cứ ngành công nghiệp nào.

Một trong những doanh nghiệp áp dụng Open Innovation thành công nhất trên thế giới là Samsung. Không chỉ có bộ phận R&D được đầu tư lớn mà Samsung còn thực hiện rất nhiều dự án hợp tác đổi mới sáng tạo mở, đặc biệt là với các công ty khởi nghiệp. Hoạt động Open innovation của Samsung chia thành 4 hạng mục: hợp tác với đối tác, đầu tư mạo hiểm, acclerator và M&A. Thông qua hoạt động này, Samsung đã thành công thu hút nhiều ý tưởng và sau đó tạo ra những sản phẩm có thể tích hợp vào sản phẩm chính của Samsung, tạo ra giá trị cho cả hai bên.

  1. Open Innovation với Innovation truyền thống có gì khác biệt?

Sự khác biệt chính giữa Open innovation và Innovation truyền thống nằm ở cách thức tạo ra sự đổi mới. Trong khi Innovation truyền thống giới hạn sự đổi mới trong nội bộ tổ chức thì Open innovation lại mở rộng phạm vi để kết hợp với các kiến thức bên ngoài.

Đổi mới sáng tạo truyền thống (hay ĐMST đóng) thường sử dụng quy trình hình phễu: lựa chọn ý tưởng, phát triển và tạo mẫu, mọi thông tin sẽ được lưu trữ trong phạm vi nội bộ và không được chia sẻ ra bên ngoài.

Ngược lại, khi doanh nghiệp áp dụng OI, xuyên suốt giai đoạn hình thành và phát triển, doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận những đóng góp từ bên ngoài doanh nghiệp. Những đóng góp này sẽ góp phần giúp các ý tưởng được kết nối tốt hơn với thị trường và đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng, tăng chất lượng các ý tưởng thu được thông qua các mô hình đổi mới mở, phát triển công nghệ nhanh hơn và giảm rủi ro tối thiểu do sự kết nối của nó với thế giới bên ngoài.

Open innovation đặc biệt phù hợp với bối cảnh thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh của kỷ nguyên số. Với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ hiện nay, do nhu cầu và hành vi của khách hàng không ngừng biến đổi, rất ít doanh nghiệp trên thế giới có thể tự tin nghiên cứu và phát triển công nghệ mới theo kiểu khép kín mà không tích hợp vào quá trình đó các sáng kiến và ý tưởng từ bên ngoài doanh nghiệp. Ngay cả những ông lớn của Nhật Bản như Honda, vốn trung thành với chiến lược tự chủ nghiên cứu và sản xuất mọi thứ bên trong doanh nghiệp, ngày nay cũng phải hợp tác với các đối thủ cạnh tranh và các doanh nghiệp startup để nghiên cứu các công nghệ mới, đặc biệt công nghệ pin điện dành cho ô tô chạy điện.

Viet Lotus.

We use cookies to give you the best online experience. By agreeing you accept the use of cookies in accordance with our cookie policy.